Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Biết chấp nhận



1. Chấp nhận với hiện cuộc :
Các câu chuyện kiếm hiệp thường xây dựng trên nền tảng thù hận. Kiếm khách A bị cao thủ B giết chết. Con của kiếm khách A là C đi tìm thầy học kiếm thuật, học võ công để trả thù cho cha. Sau bao năm cực khổ luyện tập, anh ta toại nguyện. Cao thủ B chết, rồi con cao thủ B là D lại đi tìm C để trả thù. Cứ thế thù oán tiếp diễn gây bao nhiêu chết chóc, khổ đau.
Thù hận và trả thù là bản tính của con người tội lỗi. Với lòng căm giận, chúng ta muốn làm hại, muốn trả lại cho người hại mình gấp nhiều lần hơn những gì người đã hại mình. Nhiều nền văn hóa còn đề cao tinh thần trả thù. Xem trả thù như một vinh dự, một nghĩa vụ.
Lời Chúa không cổ động bất công, không bảo vệ kẻ ác, hay hiếp đáp người lành. Người lành phải được bảo vệ và kẻ ác phải bị trừng phạt. Tuy nhiên, chúng ta không nên đích thân trả thù. Việc trừng trị kẻ ác thuộc về chính quyền và Chúa ( x Rm 13,4 ). Thánh Phao lô trong thư gởi tín hữu Rôma cũng ban lời dạy dỗ : "Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa; vì có Lời Chúa phán rằng : Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng"( Rm 12,19 ).
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp nhiều sự việc quấy động máu báo thù mình. Vì hiểu lầm hay vì ác ý có những người gieo ra những lời nói xấu, những lời kết án chúng ta một cách lệch lạc vô căn cứ. Vì quyền lợi riêng hay vì ganh ghét có những người sẵn sàng hạ nhục, bêu xấu chúng ta, phá hoại tài sản, công việc làm ăn của chúng ta. Điều đau đớn hơn nữa là những người gây phương hại cho chúng ta không phải là người xa lạ, mà lại là bà con, bạn bè, có khi là anh em ruột thịt. Chúng ta làm gì bây giờ ? Có nhiều trường hợp chúng ta có thể giải tỏa nhiều hiểu lầm, san bằng những khác biệt. Nhưng cũng có trường hợp mọi nổ lực hòa giải, cảm thông đều vô ích. Đối phương của ta cứ khăng khăng trong con đường thù nghịch của mình. Chúng ta làm gì bây giờ ? Thù và trả thù, hai chữ mới nghe có vẻ hợp lý ! Tuy nhiên Chúa dạy con dân Chúa con đường tốt đẹp hơn : ấy là yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình.
Khi thể hiện như thế thì ta cũng phải thỏa lòng với hiện cuộc. Nghĩa là chúng ta phải thỏa lòng với những gì xảy ra tốt lành cho kẻ đối nghịch với chúng ta, vì Chúa đã canh tân lề luật, nên lấy cái nhìn Tân ước để làm cho Cựu ước sáng giá hơn. Thường Chúa không trừng phạt người làm sai quấy tức khắc như lòng ta mong muốn, Ngài thường nhẫn nhịn để người làm sai có cơ hội ăn năn sửa đổi. Vả lại, nếu chúng ta đòi hỏi Chúa ra hình phạt với người có tội ngay tức thì, liệu chính mình có khỏi bị hình phạt chăng ? Vì như thế mình chẳng lành thánh gì, chẳng xứng đáng gì để được Chúa ân thưởng. Điều tốt nhất là đừng bao giờ chúng ta muốn báo thù ai.
Hãy dâng cho Chúa kẻ đối nghịch của mình để Chúa hành xử quyền phán xét của Ngài.

2. Chấp nhận với sắc diện :
Sắc đẹp và nét duyên dáng là hai yếu tố thu hút của người phụ nữ xưa và nay. Các đấng nam nhi hay yêu chuộng duyên sắc, còn các bà các cô thì phần đông ai cũng lo trang điểm cho chính mình thêm mỹ miều, duyên dáng.
Chúa chúng ta là Nghệ Sĩ lớn, là Đấng sáng tạo ra mỹ thuật. Con người và mọi tạo vật đều có những nét xinh đẹp duyên dáng riêng. Chúa cũng cho con người có óc mỹ thuật để thưởng thức cái đẹp. Yêu chuộng cái đẹp là điều tự nhiên. Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta biết ham mến cái đẹp có giá trị vĩnh cửu hơn nét mỹ miều duyên dáng tạm bợ bên ngoài. Chúa dạy chúng ta tìm kiếm cái đẹp của tâm hồn : ấy là lòng kính mến Chúa ( Cn 31,30 ) và đức nhu mì ( I Pr 3,4 ). Chúa khuyến khích chúng ta tìm kiếm và trau dồi những nét đẹp nội tâm. Thánh Kinh nói rằng : "Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào... Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền hòa : đó chính là điều quý giá trước mặt TC"( I Pr 3,1-4 ).
Khi biết tìm kiếm cái đẹp nội tâm chúng ta sẽ tránh được mối lo lắng quá mức về sắc diện bên ngoài, và nhờ đó chúng ta mới có thể sống vui vẻ thỏa mãn được. Thật thế, có những người quá lo lắng về bề ngoài mà sinh ra mặc cảm và ganh tị - Đây là một tật xấu vì nói lên tính ích kỷ và không bằng lòng những gì Chúa ban cho mình. Hơn nữa, dù bạn có xinh đẹp đến bao nhiêu đi nữa, dầu khoa giải phẫu thẩm mỹ ngày nay có giúp bạn cải thiện thêm được bao nhiêu đi nữa, bạn cũng không thể nào hoàn toàn thỏa mãn với dung nhan của mình. Thêm vào đó, ai có thể duy trì dung nhan của mình cho khỏi tàn phai theo năm tháng ? Cho nên, dầu là nam hay nữ, biết bằng lòng với dung nhan diện mạo của mình là một thái độ sống khôn ngoan. Để thỏa mãn với dung nhan của mình, trước hết chúng ta cần thừa nhận chủ quyền của thân thể mình không thuộc về mình, mà là thuộc về Thiên Chúa. Hãy cảm tạ Chúa những gì Chúa ban cho và xem những nét chưa thỏa mãn với lòng mình như ấn chứng nhắc nhở chúng ta về quyền Chủ tể  của Chúa trên mình. Nên nhớ rằng : Cái đẹp tâm hồn mới là cái đẹp lâu dài và đáng kính trọng.

3. Chấp nhận với Hôn nhân : 
Nhiều chuyện tình xưa cũ thường có nội dung tương tự như sau : Chàng thanh niên tuấn tú gặp một nàng thiếu nữ diễm kiều, hai bên thương nhau nhưng rồi chướng ngại đến. Hai người phải đấu tranh cam go, cuối cùng họ chiến thắng và cưới nhau sống hạnh phúc suốt đời bên nhau.
Thực tế cho thấy những chuyện tình của chúng ta không được đẹp như vậy. Lúc mới quen nhau, thương nhau, thì ai cũng thấy người yêu của mình quả là người trong mộng. Nhưng càng biết nhau hơn, và nhất là sau khi đã cưới nhau, chung sống với nhau một thời gian chúng ta khám phá ra rằng người yêu của mình khác xa với mộng nhiều lắm. Và càng chung sống lâu chúng ta càng khám phá ra nhiều khuyết điểm của người bạn đời. "Phải chăng ta đã chọn lầm người !" - Lắm người có ý nghĩ đó. Vậy thì làm sao ? Chúng ta cần hủy bỏ hôn nhân hiện tại để tìm người lý tưởng chăng ? Lời Chúa nghiêm cấm chúng ta điều đó. Chúa dạy chúng ta hãy thỏa mãn với hôn nhân của mình. Hãy thỏa mãn với người chồng, người vợ hiện tại của mình. Chúng ta suy gẫm sẽ thấy Lời Chúa dạy thật khôn ngoan.
Trước hết, thử hỏi trên đời này chúng ta có bao giờ tìm được người vợ người chồng lý tưởng chăng ? Chính mình, chúng ta có ai dám xưng mình là người tình lý tưởng chăng ? Không ! Tất cả chúng ta đều là những con người tội lỗi, bất toàn. Không ai là người tình lý tưởng cả. Cho nên bí quyết đầu tiên để xây dựng gia đình hạnh phúc là biết bằng lòng với hôn nhân của mình. Hay nói cách khác là biết chấp nhận người bạn đời của mình với tất cả các ưu và khuyết điểm của người ấy, như Lời Chúa dạy : "Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa"( Rm 15,7 ). Từ chỗ chấp nhận nhau, chúng ta sẽ không còn cố công gò ép người bạn đời vào khuôn mẫu của mình, do đó chúng ta tránh được những cãi vả cay đắng, và không ai độc đoán với ai. Cũng từ chỗ chấp nhận nhau chúng ta mới có thể tìm thấy niềm vui và sự thỏa thích trong mọi sinh hoạt hôn nhân gia đình như ái ân, tâm sự, làm ăn, thờ phượng, gia tế.v.v...Nếu cứ độc đoán và nguyên tắc, người vợ lúc nào cũng lên lời dạy dỗ người chồng, hoặc người chồng lúc nào cũng muốn dạy dỗ vợ, thì sống với nhau khó lắm.
Bạn hãy xem người bạn đời của mình như món quà quý Chúa ban và dâng lên Ngài lời cảm tạ chân thành những gì mình đang sống và ngọt ngào sẻ chia với người ấy.

4. Chấp nhận với của cải :
Biết bằng lòng với những gì Chúa ban cho mình là phương cách sống khôn ngoan mà Thánh Kinh thường dạy dỗ con dân Chúa : "Việc giữ đạo là nguồn lợi lớn đối với ai lấy cái mình có làm đủ. Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé"( I Tm 6,6-10 ) - Thiết tưởng phần trích dẫn này hơi dài, nhưng không thể bỏ qua được.
Chúa muốn con cái Ngài siêng năng làm việc để tạo ra tài sản ( Rm 12,12 v Êp 4,28 ). Tuy nhiên sau khi đã siêng năng làm việc, con cái Chúa cần biết thỏa mãn với những gì Chúa ban cho. Thánh Phao lô đã có thái độ ấy khi ông chia sẻ : "Tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả"( Phip 4,11-12 ). Thỏa mãn như vậy là một thái độ khôn ngoan vì "chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được"( I Tm 6,7 ). "Mọi sự đều là phù hoa. Con người sinh ra trần truồng, trở về cũng trần truồng"( Sách Giảng viên ). Chúng ta càng ham muốn nhiều chỉ thêm nỗi bất an lo lắng và chúng ta dễ sa vào tội lỗi mà thôi ( I Tm 6,9 - như đã dẫn ở trên ).
Không đuổi theo ảo mộng, nhưng chăm chỉ làm trọn những công việc làm ăn bình thường của mình là một dấu hiệu biết thỏa mãn với của cải Chúa ban. Có tưởng tượng, có ước mơ thì tốt. Nhưng ước mơ quá xa thực tế, vượt quá chương trình Chúa cho phép thì trở thành ảo mộng. Rất tiếc, có những người suốt đời đeo đuổi theo ảo mộng, muốn thực hiện những dự án quá to tác, những kế hoạch kinh doanh quá mạo hiểm, kiếm những việc làm quá lý tưởng. Nhưng rồi mộng vỡ tan, người ấy không những chưa thức tỉnh mà lại còn đeo theo ảo mộng khác. Rốt cuộc người ấy chẳng làm được gì cả mà nghèo túng và chán nản ê chề cứ dồn dập.
Không ham hố, tham lam quá, nhưng biết "mở rộng vòng tay ban bố" là một bằng chứng khác của sự thỏa mãn. Người biết dâng hiến cho Chúa, biết cứu giúp, chia sẻ của cải với người khác là người xác nhận rằng mình đã thỏa mãn với những gì Chúa ban cho.
Trong xã hội chạy đua theo vật chất ngày nay, con cái Chúa cần học tập sự thỏa mãn, biết chấp nhận thực tại để không bị cuốn trôi vào dòng thác vật chất cuồng say của thời đại.

5. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin giúp con biết để Chúa hướng dẫn trong mọi quyết định của đời sống để con nhận được những điều có giá trị thật. Xin giúp con tôn Chúa làm chủ trong mọi hoàn cảnh.
Cảm tạ Chúa tạo dựng con cho Ngài. Xin Chúa giúp con yêu Ngài mỗi ngày thêm hơn để vẻ đẹp trong con thêm rạng rỡ.
Lạy Chúa, xin ban thêm sức cho con để con biết chấp nhận trong mọi cảnh ngộ, và xin giúp con vui thỏa mỗi ngày, dù gặp khó khăn cũng nương cậy Ngài.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét