Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Vẻ đẹp đức khiêm tốn

1. Câu chuyện Abraham Lincoln :
    

Abraham Lincoln vốn xuất thân trong một gia đình đóng giày. Trong một cuộc vận động bầu cử Tổng Thống, Lincoln tranh cử, ông đã bị một nghị sĩ sỉ nhục về thân thế yếu hèn của gia đình mình. Để gây xốc, đồng thời làm mất đi ý chí và sự tự tin của Lincoln, vị nghị sĩ ấy nói thẳng với Lincoln :"Thưa ngài Lincoln, trước khi ngài diễn thuyết, tôi hy vọng ngài nhớ rằng, ngài là con trai của một thợ đóng giày". Ai ngờ Lincoln không hề tự ti mặc cảm một chút nào, ông nói : "Tôi vô cùng cảm ơn ông đã làm tôi nhớ lại người cha đáng kính của tôi. Tuy cha tôi đã qua đời, nhưng nhất định tôi sẽ ghi nhớ mãi lời nhắc nhở chân thành của người. Tôi biết rằng nếu tôi có làm Tổng Thống thì cũng sẽ không thể giỏi như cha tôi làm nghề đóng giày".
Nghe những lời nói chân thành của Lincoln, vị nghị sĩ kia chìm trong im lặng. Rồi Lincoln quay đầu lại nói với viên nghị sĩ ngạo mạn ấy rằng : "Theo tôi được biết, trước đây cha tôi đã từng đóng giày cho những người trong gia tộc ông. Nếu giày của ông không vừa chân, tôi có thể sửa cho ông. Tuy tôi không phải là một người thợ đóng giày vĩ đại như cha tôi, nhưng từ bé tôi đã theo cha và học được một số kỹ năng". Sau đó Lincoln nói với tất cả các nghị sĩ : "Với bất kỳ ai trong thượng nghị viện này cũng vậy, nếu giày của quý vị là do cha tôi đóng mà quý vị cần sửa chúng, nhất định tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp quý vị. Thế nhưng, tôi xin nói trước với quý vị một điều, tôi không vĩ đại như cha tôi, tay nghề của ông ấy không ai có thể sánh kịp".
Nói đến đây, Lincoln rưng rưng nước mắt. Trong chốc lát, tất cả những chế giễu đều trở thành những tràng pháo tay chân thành. Sau đó, Lincoln đã trúng cử Tổng Thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 16.

2. Khiêm nhường trong ơn Chúa :
Đẹp biết bao những con người có tấm lòng khiêm tốn ! Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu ( GS ) trong dụ ngôn "Chọn chỗ thấp nhất" : "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên"( Lc 14,11 ) - Xin đừng hiểu sai vấn đề Chúa nói. Đây không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên. Chúa GS không có ý muốn nói như thế. Những ai giả vờ hạ mình xuống để được nâng lên thì chẳng đẹp chút nào !
    Chính Chúa GS đã mặc khải cho chúng ta biết : Chúa thích những ai có lòng khiêm nhường. Tại sao vậy ? Chúng ta hãy xem khiêm nhường là gì ? Theo Tự Điển Công Giáo phổ thông, khiêm nhường là không vượt quá chính mình. Đây là nhân đức giúp yêu thương mình đúng đắn, dựa trên việc đánh giá đúng vị thế của mình trước mặt Chúa và tha nhân. Khiêm nhường trong tôn giáo là nhận biết mình hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa. Khiêm nhường trong luân lý là nhìn nhận mình bình đẳng với người khác, không tự ti, không tự hạ quá đáng, nhưng biết nhận ra những ân huệ Chúa ban mà cảm tạ Chúa.
    Đối với Chúa GS, các đạo sĩ Do Thái giáo và thầy dạy luật là những kẻ nói một đường làm một nẻo. Điều Ngài muốn nói là : Cả quan niệm của họ về tôn giáo gồm tóm trong sự vâng giữ Luật pháp bên ngoài như đeo thẻ bài cho lớn, rủ tua áo cho dài, vâng giữ các luật lệ, nguyên tắc và Luật pháp một cách máy móc tỉ mỉ, nhưng trong lòng đầy kiêu ngạo. Đối với Chúa GS các đạo sĩ Do Thái giáo này là những kẻ mang mặt nạ đạo đức, còn trong lòng thì che dấu những cảm xúc tình cảm vô tín nhất. Lời tố giác đó cảnh cáo cho bất cứ ai sống đạo chỉ bằng sự vâng giữ những lễ nghi hình thức bên ngoài.
    Nhiều người Biệt phái được Thánh Luca kể lại trong Tin Mừng, họ là những người không có lòng khiêm tốn, không biết vị trí của mình, nghĩ rằng mình là đáng kính hơn người khác. Họ vào phòng tiệc thì lo kiếm chỗ nhất. Họ không cần biết ai là quan trọng. Họ cho mình là số một, không ai hơn họ nữa ! Họ thiếu khiêm nhường nên không biết chỗ của mình. Chúa GS là Thiên Chúa ( TC ) đến dự tiệc họ cũng không biết. Trong thực tế, họ muốn chiếm luôn chỗ của Chúa ( x Lc 14, 7-10 ). Đó cũng là một hình thức giống tội Nguyên tổ của chúng ta : Muốn giành lấy vị trí của TC, mặc dù không có tài cán gì bao nhiêu. Họ không nhớ rằng, nếu Chúa rút ân huệ lại thì con người chỉ là cát bụi hư vô.
    Hễ ai nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống. Vua Saolê khi xưa tự phụ, không biết vâng lời, cãi lại mệnh lệnh Chúa nên bị truất phế. Chúa nâng cao những người phận nhỏ : Chúa chọn David là con út trong gia đình Giesê. David vóc dáng thấp bé, không có công trạng gì hơn các anh mình trong gia đình hay xã hội lúc đó. Khi Samuel tới thì Giesê giới thiệu các anh của David cho Samuel. Nhưng Chúa lại không chọn ai trong số đó. Chúa chọn David, vóc người bé nhỏ, khiêm nhường... Đến thời viên mãn, Chúa để cho Con Chúa xuống thế làm người. Chúa chọn một thôn nữ ở làng Nazaret, một ngôi làng bé nhỏ không mấy ai biết đến. Chính Con TC cũng sinh ra trong cảnh nghèo khổ, thiếu thốn, lớn lên trong cảnh khốn cùng. Chúa đã sẵn sàng trở nên bé nhỏ nghèo hèn để cho chúng ta được lớn lên, được dồi dào ơn phúc. 
    Đến lượt chúng ta cũng phải biết cho Chúa một cái gì đó, làm một việc gì đó để giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh hiện tại. Người ta có xu hướng nhìn lên, ít ai nhìn xuống. Người ta bỏ ra một cái gì thì mong gặt hái một lợi lộc tương tự. Người ta sẵn sàng bỏ ra bạc triệu đãi người có chức tước để nhờ vả, chứ ít ai tính lỗ cho mình. Vì vậy, để thực hiện lời Chúa GS, quan tâm đến người nghèo thì phải có lòng yêu mến Chúa, có lòng bác ái theo gương Chúa, nhận biết Chúa là Cha, quảng đại khiêm tốn, tôn trọng mọi người và cũng là tự trọng nữa. Vì yêu mến Chúa nên không muốn làm Chúa phải buồn, ta cần xây dựng tình tương thân tương ái. Những người nghèo khổ, tàn tật không ai đoái hoài tới, Chúa muốn giúp đỡ cách gián tiếp nhờ lòng bác ái của chúng ta là Môn đệ Chúa và cũng là con cái Chúa, thay mặt Chúa ở trần gian. Nếu chúng ta tin có đời sau, tin Chúa là cha chung của mọi người thì chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, để mai sau chính chúng ta sẽ gặp Chúa và mọi người, khi đó ta cũng khỏi phải hổ thẹn. 
    Ngày nay hình như lòng khiêm tốn không còn chỗ đứng trong một xã hội đầy cạnh tranh gay gắt, và xem ra khiêm tốn chỉ là một thứ mặt nạ để người ta chú ý đến mình nhiều hơn. Điều này rất dễ được nhận thấy khi người ta khen ngợi và ca tụng. Nhưng trái lại, khiêm tốn Kitô hữu đích thực là chân thành nhìn nhận tình trạng thực tế trong thân phận của chính mình trước mặt người khác và trước mặt TC, qua một thân phận yếu kém và bất toàn, một thân phận yếu đuối và cả tội lỗi nữa. Một khi chân thành biết sự giới hạn của mình thì càng trở nên khiêm tốn hơn và đón nhận tình thương của TC nhiều hơn.
    Trong câu chuyện hai người vào đền thờ cầu nguyện, một người kể công và khoe khoang những việc mình làm, và một người đứng xa xa chỉ việc đấm ngực xin Chúa thương xót, Chúa đã đoái nhìn đến người khiêm tốn này ( x Lc 18,10-14 ). Khiêm tốn là bài học đầu tiên cho lòng hối cải và sự tha thứ. Khiêm tốn là cửa ngõ để ta bắt đầu bước vào nhìn nhận và thông cảm với anh chị em xung quanh. Và khiêm tốn chính là chỗ ngồi trong bàn tiệc cứu độ mà TC dọn sẵn cho mỗi người.
    Trong tu đức, trái ngược với khiêm tốn là kiêu ngạo và người ta xếp kiêu ngạo vào hàng thứ nhất của bảy mối tội đầu. Thánh Augustino cũng đã dạy rằng : "Trước tiên con phải có lòng khiêm tốn, nếu không, dù có làm việc đạo đức tốt lành đi nữa thì chính tính kiêu ngạo cũng xen vào làm cho hư mất".
    Hãy ngẩng đầu để thấy trời cao đẹp đẽ và đầy hy vọng, nhưng cũng hãy nhìn xuống đất để biết đôi chân của mình đang đi mà vững bước trên đường. Hãy yêu thương để sống quảng đại và hãy khiêm tốn để biết đón nhận, đó là thái độ của người Kitô hữu chúng ta.

3. Gía trị của khiêm nhường :
    Khiêm nhường là thái độ tự hạ mình xuống. Người khiêm nhường không phải là không biết giá trị của mình. Nhưng người ấy biết so sánh mình với Chúa để rồi không tự đề cao mình, và cũng không hạ người khác xuống.
    Có lẽ ít ai muốn làm người khiêm nhường, nhưng khiêm nhường là một mỹ đức được Chúa yêu quý và mời gọi : "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng"( Mt 11,29a ). Đối với từ ngữ VN : khiêm nhường, khiêm nhượng, khiêm tốn, khiêm nhu, khiêm hạ, khiêm cung... cũng chỉ là một thứ, một nghĩa như nhau, tùy theo ngôn ngữ người sử dụng. Thánh Kinh cho biết nhiều phước hạnh Chúa dành cho người khiêm nhường, tác giả sách Châm ngôn và Thánh vịnh thường hay đề cập ( Cn 15,33 v 22,4 v 29,23; Tv 9,12 ). Isai nói rõ hơn đức khiêm nhường có một vẻ đẹp làm tươi tỉnh tâm linh ( Is 57,15 ). Đặc biệt trong Tân ước, Thánh ký Matthêu ghi nhận lời dạy của Chúa Giêsu ( GS ) :
            - "Ai tự hạ, coi mình như trẻ nhỏ, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời"( Mt 18,4 ).
            - "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp"( Mt 5,4 ).
    Thánh Kinh còn cho  thấy trong thư Giacôbê và Phêrô :
            - "Thiên Chúa ( TC ) chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường"( Gc 4,6 ).
            - "Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì TC chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của TC, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định"( I Pr 5,5-6 ).
    Sở dĩ người khiêm nhường được Chúa ban phước, vì người khiêm nhường biết đặt đúng vị trí của mình trong tương quan với Chúa và với người. Với Chúa, người khiêm nhường thừa nhận mình là vật thụ tạo tùy thuộc vào ân huệ và sự cung cấp, dẫn dắt của Chúa. Với người, người khiêm nhường nhận mình là một người phục vụ  tha nhân vô điều kiện. Yêu anh em như chính bản thân mình; yêu cha mẹ và không bao giờ lớn tiếng, la mắng hay quát tháo cha mẹ. Ai khiêm nhường với cha mẹ, ngọt ngào với cha mẹ là người biết kính sợ TC. ( Mời đọc thêm bài "Hiếu kính với cha mẹ" trên nhãn "Bài suy niệm 4" của Blog này ).
    Mỗi chúng ta cần nhờ ơn Chúa để sống khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Có thái độ sống như vậy chúng ta mới có thể thực hành hai điều răn lớn của Chúa : Kính Chúa và yêu người.
    Khi tường thuật dụ ngôn "Chọn chỗ thấp nhất"( x Lc 14,7-11 ), Luca không chỉ nhắc lại lời khuyên xử thế của Đức GS, nhưng đối tượng mà Đức GS nhắm tới trước hết là Pharisieu, cùng đến dự tiệc với Người trong nhà ông thủ lĩnh nhóm Biệt phái. Họ tỏ ra là những con người ham hố chức quyền địa vị hơn ai hết. Họ muốn tỏ ra cho người khác biết họ quan trọng, đáng kính, đáng nể như thế nào. Thái độ đó đã làm cho Đức GS và những người khác khó chịu, và Ngài đã lên tiếng.
    Đoạn Tin Mừng muốn dẫn chúng ta đi xa hơn thế. Từ thái độ kiêu ngạo của Biệt phái, qua đó Chúa muốn dạy chúng ta phải có thái độ khiêm hạ và biết sống vô vị lợi với anh em. Thật ra, trước mặt Chúa hay trong Vương quốc Nước Trời chúng ta có gì mà vênh vang tự đắc, có gì mà lên mặt dằn đời...tất cả những gì chúng ta có được là do ơn ban của TC mà thôi. Thái độ biết ơn trân trọng là thái độ của kẻ sĩ, của bậc hiền triết Đông Phương. Đức GS còn khuyên chúng ta biết nhìn xa hơn một chút : Chúng ta phải biết nghĩ đến những người cần đến mình hơn là nghĩ đến những người giống mình. Làm ơn, làm điều tốt là giúp cho những kẻ thiếu thốn, nghèo hèn, tật nguyền...vì chính họ không có khả năng lo cho số phận hẩm hiu của họ, họ cũng không có khả năng đền ơn đáp nghĩa cho những hành động vị tha bác ái của chúng ta. Làm ơn cho kẻ không thể đền ơn thì giá trị của chúng ta càng được nhân lên vì tính vô vị lợi của nó, tính vị tha trong hành động ấy được nâng cao rất nhiều ( x Lc 14,12-14 ). TC là Đấng sẽ nâng những con người khiêm hạ lên, thì cũng chính TC sẽ làm cho phúc của người ban ơn tràn đầy hơn, "sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại"( Lc 14,14b ). Khiêm nhường là khuôn mặt của tình yêu. Vì yêu thương con người, TC đã xuống ngang tầm những kẻ hèn mọn, những trẻ thơ, những kẻ yếu đuối. Chúa không kết thân với người giàu có quyền thế nhưng luôn quan tâm những người nghèo, người bị ruồng bỏ, người ốm yếu tật nguyền, Ngài an ủi và chữa lành cho họ. TC đứng về phía người nghèo, người khiêm hạ là thế.
    Đời sống tôn giáo càng được biểu hiện ra ngoài bằng nhiều hình thức dễ coi, dễ nổi...thì trong tâm hồn chúng ta cần phải tràn đầy tinh thần khiêm nhường. Đức GS chính là mẫu gương của sự khiêm nhường, Ngài là Đấng cao cả hơn ai hết nhưng lại chọn chỗ thấp hèn nhất, tăm tối nhất để sinh ra. Ngài cũng là Đấng vô vị lợi nhất, ban phát rộng rãi và nhưng không. Đức GS là tột đỉnh của Tình yêu : "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống mình cho người mình yêu". Đức GS tột đỉnh của sự khiêm tốn. Là một vị TC quyền năng, nhưng Ngài đã hạ mình làm kiếp phàm nhân. Là bậc Thầy trong thiên hạ, lại quỳ xuống rửa chân cho các đệ tử. Vì thế còn gì mà chúng ta không theo gương Ngài sống đúng tư cách công dân Nước Trời. Khiêm tốn sống như Chúa GS là không sống cho riêng mình mà sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ tha nhân.
    Kinh Magnificat là lời kinh bất hủ, ca ngợi quyền năng và tình yêu của TC, Đấng làm những kỳ công nơi những con người bé mọn, khiêm nhu. Đức Maria là người đã đi đầu cho chúng ta noi theo, vì Người sống đúng vai trò nữ tì của Chúa. Bài học khiêm hạ của Chúa GS, Mẹ Maria và các Thánh là cơm bánh giúp chúng ta sống và lớn lên hằng ngày. Chúa yêu thương người nhỏ bé và chúc phúc cho kẻ làm mà không kể công.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ sự kiêu ngạo đi trước những thất bại, sa ngã. Xin cho con nhạy biết khi triệu chứng kiêu ngạo đến với con. Xin giúp con thật sự khiêm nhường trước mặt Ngài, xin ban cho con tấm lòng khiêm nhường như một đứa trẻ để con mãi mãi được ở trong vòng tay yêu thương của Chúa.
    Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết sống khiêm nhường để được đẹp lòng Chúa. Xin tẩy bỏ sự kiêu ngạo trong con, cho dù một chút nhỏ nhoi. Xin Chúa cho con sống với trái tim yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương và phục vụ.

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét