Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Từ câu chuyện người mù...

 

Tôi suy nghĩ về câu chuyện "Chúa Giêsu chữa lành người mù từ lúc mới sanh" mà Thánh Gioan Tông đồ đã ghi lại trong Phúc âm của Ngài. Các bạn hãy thử đọc xem : Jn 9,1-41 ( Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, đoạn 9, từ câu 1 đến câu 41 ).
Theo tôi, Thánh Gioan ghi lại phép lạ chữa bệnh người mù ở đây có chủ đích, ấy là làm sáng tỏ các ẩn dụ của Chúa Giêsu về sự phán xét và bị phán xét ( x Jn 9,39 ). Phải quy hướng về Chúa Cha để hiểu về Chúa Giêsu mà nhận ra các công việc của Ngài làm, nghĩa là hoặc sáng láng hoặc mù lòa. Đây là một việc làm cụ thể của Thiên Chúa ( TC ) ở thế gian. Chúa Giêsu nói rõ rằng người này bị mù là "để cho những việc TC được tỏ ra nơi anh"( Jn 9,3 ). Có thể các Môn đệ của Chúa xem đây là chứng cứ về phép lạ chữa bệnh. Tuy nhiên, công việc của Chúa Cha thì lại có ý nghĩa cao hơn : Ngài muốn người mù gắn chặt với Đức Kitô ( x Jn 9,38 ) và hiểu rõ về sự đoán phạt những ai khước từ "dấu hiệu" đặc ân TC ban cho ( x Jn 9,29 ).
 
Bị mù, không thấy được, tất cả chỉ một màu đen, quả là khổ ! Tại sao TC công bằng và yêu thương lại để cho đau khổ xảy ra ? Thời xưa, người Do Thái tin tưởng bệnh tật là do tội lỗi, nếu không phải là tội lỗi của mình thì cũng là tội lỗi của cha mẹ. Ngày nay, tình hình hiện tại ta thấy được : không phải tội lỗi mình, không phải tội lỗi cha mẹ mà do tội lỗi của những kẻ độc ác ( điều này hầu như ai cũng biết ), những kẻ muốn bành trướng, muốn bá quyền, muốn làm chủ thế giới đã gieo rắc mầm bệnh, mầm đau khổ cho nhân loại. Ta nên nhớ rằng bệnh mù từ lúc mới sanh hoàn toàn khác bệnh nhiễm Covid 19 bây giờ. Thời xưa người Do Thái tin tưởng bệnh tật do tội lỗi... não trạng các Môn đệ thời ấy cũng vậy, họ đã lý luận, đã cật vấn Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ? ( x Jn 9,2 )- Đây là câu nói khá cay nghiệt dành cho những người bất hạnh. Chúa Giêsu bác bỏ ý kiến ấy : "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của TC được tỏ hiện nơi anh" ( Jn 9,3 ). Qua Tin Mừng ta cũng thấy được, Chúa Giêsu đi nhiều nơi làm nhiều phép lạ để tỏ vinh quang TC ( ví dụ : x Jn 11,4 - Chúa làm Lazarô sống lại, hoặc x Jn 2,11 tại tiệc cưới Cana ). Thế còn những người chưa từng được Chúa chữa bệnh thì sao ? Tác dụng của việc chữa lành người mù không phải chỉ dành cho người này thôi. Đức Kitô còn trông đợi chúng ta cũng bắt chước người mù, đi theo Ngài. Giáo Hội xưa kia, sau Lễ Ngũ tuần, được ban quyền năng xua tan khổ đau, vậy ngày nay, khi đối đầu với đau khổ, chúng ta cần nhắc nhở chính mình và nhắc nhở nhau rằng đó là dịp TC bày tỏ vinh quang của Ngài. Việc Chúa Giêsu dùng nước miếng trộn bùn bôi lên mắt người mù là hoàn toàn có thật, vì không những Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại mà cả Tin Mừng Maccô cũng vậy ( x Mc 8,22-26 ). Như thế việc làm ấy của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì ? Chúa muốn vậy để con người thấy rõ thân phận làm người. Chúng ta chỉ bắt chước người mù để đi theo Chúa thì được, chúng ta không thể bắt chước Chúa Giêsu để lấy bùn bôi lên mắt người khác. Con người gặp gỡ TC : Bụi đất được TC dùng làm nguyên liệu để dựng nên con người, giờ đây bụi đất được TC chạm đến, từ đó con người tiếp nhận ánh sáng - Vật chất được thánh hóa để không bị tha hóa. Điều này vượt quá khả năng con người, con người không thể làm được, chỉ có TC làm được mà thôi. Xin được nhắc lại : Sao TC để cho đau khổ lan tràn khắp nơi ? Nhân loại đang khủng hoảng sao TC không can thiệp ? Giữa mùa Đại dịch Covid, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng TGM Gp Sài gòn, trong một bài giảng có nói rằng : "Theo Chúa thì phải vác thập giá. Chúa đến trong trần gian không phải là để xóa đau khổ, Chúa không xóa đau khổ đâu. Chúa bảo chúng ta phải đau khổ, phải vác thập giá, phải hy sinh. Đau khổ không phải là thuốc độc đâu. Có một cách để chứng tỏ một ly nước không phải là thuốc độc, là gì ? - Là người đó phải uống trước, sau đó mới đưa cho ta uống. Chúa Giêsu đã uống trước, Ngài uống "chén đắng", đắng nhưng không độc, thuốc đắng giã tật" - Nhờ thế mới mang lại ơn Cứu độ.

Chúng ta phải cảm tạ TC vì Ngài đã quan tâm làm phép lạ chữa lành, hồi phục thế nhân. Các ơn lành chỉ có thể xảy đến khi chúng ta có lòng tin nhận Chúa. Những người Pharisiêu cứng cỏi, trong câu chuyện này chứng tỏ lẽ thật ấy. Họ dùng uy lực để gạn hỏi, bắt bẻ, dân chúng thì hoài nghi, đến cả cha mẹ người mù cũng chỉ nói loanh quanh "chúng tôi không rõ". Khi nói chúng tôi không rõ thì tâm hồn họ cả một kho rỗng ! Như vậy chẳng thấy ai có chút lòng cảm phục từ tâm của Chúa, thậm chí cũng không vui mừng vì thấy một người vừa thoát khỏi cảnh tật bệnh khốn khó; ngược lại, họ đâm ra gây gổ, bất hòa vì một phép lạ khó hiểu ! Dân chúng vốn tin tật mù lòa là do tội lỗi của cha mẹ, nên họ chẳng có cảm xúc gì với phép lạ đã xảy ra. Họ không chấp nhận rằng các phần tử tội lỗi xấu xa lại được ban phép lành mầu nhiệm. TC mà lại ưu ái một kẻ xấu xa đê hèn như thế sao ? Do đó, họ đem vấn đề đến người Pharisiêu để tìm câu trả lời ( x Jn 9,13 ). Chúng ta cũng thấy rằng, người mù trước kia ngoan ngoãn để đám đông dắt đi vì một lý do đã nói ở trên : "Để cho những việc TC được tỏ ra trong anh". Tuy nhiên, về sau anh ta không thụ động đi theo đám người vô tín kia nữa, can đảm tự quyết định theo Chúa để trở thành "con người mới" và xem như "Cái cũ đã qua, cái mới đã có đây rồi"( 2 Cr 5,17 ). Những người Pharisiêu mê muội vì mớ luật pháp cổ truyền, không thấy được công việc của TC, chỉ lo sợ vi phạm luật ngày Sabát ( x Jn 9,14-16 ). Đến cả cha mẹ của người mù trước kia cũng sợ dính líu, liên lụy vào những vụ lôi thôi nên không thấy được ân sủng gần kề ( x Jn 9,22 ), không hiểu rằng gánh nặng đè trên vai họ bao nhiêu năm nay hoàn toàn tiêu tan theo tật mù của con mình. Không nhận ra ơn lành Chúa ban - Đó là một hiểm họa lớn ! Chúng ta hãy nhớ bài học này để tự cảnh báo mình.

Những người Pharisiêu bảo "hãy ngợi khen TC", còn Chúa Giêsu thì họ cho là người sai phạm ( có tội ) không thể được ngợi khen ! Người Pharisiêu dùng phương thức ấy với mục đích gian trá : Họ dụ dỗ người mù trước đây rằng hãy ngợi khen TC đã ban phép lạ sáng mắt chứ đừng ngợi khen Chúa Giêsu. Điều kỳ lạ là tại sao họ không thể nhận ra một sự thật rất rõ ràng là người mù nay đã sáng mắt. Họ cũng không hiểu được ý nghĩa của phép lạ này. Họ cáo buộc Chúa Giêsu trước mặt người mù rằng Ngài đã phá bỏ luật ngày Sabát, nghĩa là Ngài có tội. Tuy thế, người mù vẫn không mất lòng kính phục Chúa Giêsu mà càng tôn vinh Ngài hơn nữa. Anh ta chống lại áp lực của đám Pharisiêu, không dùa theo để cáo buộc Chúa mình, trái lại anh tuyên bố mạnh mẽ : "Tôi chỉ biết một điều, trước tôi mù, nay tôi sáng" ( Jn 9,25 ), mặc dù trước đây anh mù chỉ công nhận Chúa Giêsu là một vị Ngôn sứ. Họ lại gạn hỏi thêm để gài bẩy anh : "Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?" Anh mù quá bực tức nên mới trả lời : "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm Môn đệ ông ấy chăng ?" ( x Jn 9,26-27 ). Vui nhất là câu nói này : "Hay các ông cũng muốn làm Môn đệ của ông ấy chăng ?". Sự suy nghĩ của anh mù và người Pharisiêu mỗi lúc một cách xa nhau hơn, sự dằn xé dẫn tới một kịch tính. Đến một lúc anh không còn nể nang họ nữa, bèn can đảm nói hết sự thật giống như các Môn đệ đã dạn dĩ trả lời trước tòa án trong ngày Lễ Ngũ tuần, để "họ lại thấy người đã được chữa lành" ( x Cv 4,5-20 ). Thẩm quyền tôn giáo của Pharisiêu bị lung lay. Sự hiểu biết của họ thật đáng ngờ. Môisê đến từ Đức Chúa Trời, vậy Chúa Giêsu đến từ đâu ? Người mù nay đã sáng mắt, sáng lòng, thấy được lẽ thật sáng ngời nên thẳng thắng tuyên bố : "Nếu Người này chẳng đến từ TC thì làm sao chữa được mắt tôi ?" ( x Jn 9,30-33 ). Anh mù nói gì thì nói, người Pharisiêu vẫn cố chấp, vẫn cho rằng anh ta là kẻ "tội lỗi ngập đầu", rồi họ "trục xuất anh". Những người Pharisiêu là một cảnh tỉnh nghiêm khắc để chúng ta đừng khiến Tôn-giáo-thật mất dần sức sống mà xa lìa lẽ thật của TC.

Nếu chúng ta vững vàng giữ lòng trung tín, bất chấp mọi khó khăn thì Chúa luôn ở bên chúng ta. Người mù đã được chữa lành có lòng trung tín nên Chúa vẫn luôn gần gũi với anh ta. Anh đã nói sự thật và như thế ngược với tín lý của những nhà lãnh đạo tôn giáo cổ lỗ, nên họ muốn trục xuất anh ta với lý do "sinh ra trong tội lỗi" ( Jn 9,34 ), còn ơn lành Chúa ban cho anh thì bị họ coi chẳng giá trị gì. Nhưng, những ai vì lẽ thật mà bị xua đuổi thì lại được Đức Kitô ở cùng ( x Jn 9,35 ). Đây là điểm đỉnh của câu chuyện, mọi sự được sáng tỏ ra. "Người mù" nhận ra rằng Chúa Giêsu đến từ TC. Trước đây anh không hề có sự hiểu biết đó, chỉ đến khi Chúa Giêsu tìm kiếm anh, nói chuyện với anh, và khải thị cho biết Ngài là Con Người ( Jn 9,35b ) thì anh mới rõ mọi sự. "Con Người" là danh hiệu của Đấng Méssia ( như Chúa đã tỏ lộ cho người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacôp : Jn 4,25-26 ) làm ứng nghiệm Thánh ý của TC và sẽ ngự trị trong vinh quang. Ngài đã khiến anh tiến một bước dài trong đức tin, anh đã nhanh chóng thưa : "Lạy Chúa, tôi tin". Rồi sấp mình thờ lạy Ngài" ( Jn 9,38 ). Lần đầu tiên chúng ta thấy Chúa Giêsu để người ta thờ lạy mình như thờ lạy một Đấng Tối Cao - Đấng Tạo Hóa - Đấng có quyền trên cả sự sống và sự chết. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong Tin Mừng Gioan. Có người cho rằng phân đoạn này là một ẩn dụ về đức tin và lòng vô tín, vì vậy cũng là một ẩn dụ của sự phán xét. Tiếp theo là sự phán xét của người Pharisiêu, ngược hẳn với sự phán xét người mù. Vì anh ta vốn mù nên họ cáo anh ta có tội. Họ tự cho là mình "sáng" nhưng lại chẳng thấy gì hết nên bị TC kết tội ( x Jn 9,39 ). Có tội thì không thấy được Đức Giêsu ư ?( Đó là quan điểm của Biệt phái và người Do Thái xưa ). Vậy điều quan trọng đối với chúng ta là thấy được Chúa Giêsu thì tiến được một bước dài trong đức tin. Hãy cùng với anh mù mà thưa : "Lạy Chúa, tôi tin" và thờ lạy Ngài. Chỉ cần chừng ấy thôi là đủ.

*"Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa và Đấng Chúa Cha sai đến"( Jn 17,3 ).

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét